Content được dịch sang tiếng việt là NỘI DUNG. Có thể là nội dung cho 1 bài post bán hàng, nội dung cho 1 bài viết chia sẻ kinh nghiệm, nội dung cho một chương trình offline, nội dung của 1 website,…. Tóm lại là, cái từ “nội dung” có thể được ghép với bất kỳ đâu trong tầm suy nghĩ của các bạn (gần như thế).Dưới đây tôi xin chia sẻ 6 tuyệt chiêu viết content marketing để các bạn tham khảo
– Tuyệt chiêu 1: Hãy nghiêm túc với việc viết lách.
Các bạn có thắc mắc sao đi học về là tôi viết hay lên ngay? Thực ra không thần kỳ như thế. Điều thay đổi nhiều nhất của tôi sau khi đi học copywriting là tôi coi viết là một công việc. Và trong công việc thì không được phép hời hợt.
Trước đây mỗi khi nghĩ ra gì hay ho là tôi lại post vài dòng lên status.
Nhưng bây giờ thì khác. Mỗi khi nghĩ ra gì hay ho tôi lại viết vài dòng nhưng sau đó … xoá đi. Tôi không chấp nhận việc phung phí ý tưởng bằng việc viết mà không suy nghĩ.
Trước đây mỗi khi nghĩ ra gì hay ho tôi viết 1 mạch rồi enter.
Bây giờ tôi viết … rồi xoá, viết rồi xoá. Bao giờ bài viết hoàn chỉnh với cả chục tiêu chí tôi mới post.
Trước đây tôi post bài vào mọi lúc. Khi cảm thấy viết đủ hay là tôi post ngay.
Bây giờ tôi phải chọn giờ chọn ngày để post.
…
– Tuyệt chiêu 2: Tập nhiều thành quen, luyện nhiều thành giỏi.
“Mỗi ngày viết 30p còn hơn mỗi tuần viết có 2 lần, mỗi lần viết cả mấy giờ đồng hồ”
Đây là bài học lớn nhất tôi học được từ thầy. Trừ những người sinh ra là để viết thì … môn nào cũng vậy, không khổ luyện sẽ không thành tài.
Việc này tôi cũng đã có nhiều bài học từ lâu, nhưng đến giờ tôi mới áp dụng vào Viết. Hiện tại tình trạng của tôi là lúc nào cũng nghĩ đến viết. Có ý tưởng là tôi sẽ lưu lại ngay, cái gì có thể viết được là tôi sẽ viết. Nó bắt đầu thành phản xạ. Điều này đặc biệt hay. Bạn có thể áp dụng vào bất cứ việc gì nếu bạn muốn giỏi.
…
– Tuyệt chiêu 3: Đừng có ngại
Có người đã để ý và thấy, tôi vẫn đang trong giai đoạn “hỗn loạn”, tôi viết tùm lum chứ không có mạch chủ đề. Đáng ra tôi làm về AdWords, thì chủ đề tôi viết phải xoay quanh nghề tôi làm.
Thậm chí tôi viết còn không bám theo các thể loại viết được học.
Đâm ra càng viết càng lan man. Nhưng theo tôi là mình cứ loạn đi, phải có loạn thì mới có tĩnh! Khi đã thành thói quen thì mọi thứ sẽ đi vào quỹ đạo.
Tôi không ngại nếu viết không hay. Nếu không có dở thì không có tốt. Cũng như học tiếng Anh, bạn không dám nói thì không bao giờ tới được lúc bạn nói hay. Cứ mạnh dạn mà làm.
Tuyệt chiêu 4: Chỉ có tự mình học tập, mới có thể tiến bộ
Tôi đi học, học được nhiều cái hay. Nhưng như thế không đủ.
Sau khi đi học về, tôi bỏ rất nhiều thời gian tự học tiếp. Tôi đang cầy nát Internet về mấy chủ đề Copywrite.
Bạn sẽ không tưởng tượng nổi, chỉ nguyên cái Title (tiêu đề) cũng có cả tỉ thứ kiến thức.
Bạn biết để ra 1 cái tiêu đề, tôi mất thời gian tương đương thời gian viết với 1 quy trình điên rồ:
1. Viết 1 tiêu đề.
2. Viết bài
3. Quay trở lại xem tiêu đề và … xoá
4. Viết 25 tiêu đề khác nhau dựa trên 200 tiêu đề mẫu
5. Dịch sang tiếng Anh
6. Cho vào công cụ để chấm
7. Chọn lấy cái có vẻ tốt nhất phù hợp mục tiêu
(quy trình trên mỗi lần làm mất 45p – 60p)
Khi bạn đi học, bạn sẽ có những viên gạch đầu tiên. Nhưng muốn xây lâu đài thì bạn phải chăm chỉ hơn người khác. Đấy là lý do không có khoá học nào biến bạn thành siêu nhân ngay được.
…
– Tuyệt chiêu 5: Phải có mục tiêu
Khi mọi người hỏi tôi “làm thế nào để viết hay”, câu đáp đầu tiên của tôi luôn là “tại sao bạn muốn viết hay”
Tôi viết bởi việc này gia tăng nhận diện thương hiệu của bản thân và doanh nghiệp của tôi.
Ý tưởng của tôi ban đầu có thể không liên quan, nhưng kiểu gì đến cuối tôi cũng sẽ lái nó về mục tiêu của mình. Dù bạn không quen tôi nhưng nếu bạn đã đọc đến đây thì hẳn bạn biết tôi làm nghề gì, đúng chưa 😀
Nếu chưa nhận ra thì tôi là người nghiên cứu về Quảng cáo Google (Google AdWords) còn công thì tôi thì cung cấp dịch vụ và đào tạo Quảng cáo Google.
Vì vậy bạn cũng không cần phải viết tốt nếu việc đó không mang lại giá trị cho mục tiêu cuộc sống, công việc của bạn.
…
– Tuyệt chiêu 6: Hãy làm checklist
Nếu bạn thực hành đủ lâu và mọi thứ thành phản xạ thì bạn có thể tuôn ngay 1 tràng không suy nghĩ mà vẫn đầy đủ tiêu chuẩn. Nhưng nếu mới bắt đầu thì bạn phải có danh sách những việc cần kiểm tra.
Bài này viết gì?
Tại sao cần viết bài này?
Ai sẽ đọc bài này?
Đọc xong họ cảm thấy gì?
Đọc xong họ sẽ làm gì?
Bài này cấu trúc A B C đủ chưa? …
+ Giờ thì bạn hiểu sơ sơ rồi chứ?
Nghiêm túc + Luyện tập + Không ngại + Tự học + Có mục tiêu + Phương pháp (Checklist)
Việc còn lại là bắt tay vào làm và bắt đầu thử thôi.