Mở cửa hàng vật liệu xây dựng ở nông thôn cần lưu ý những gì?

Kinh doanh vật liệu xây dựng ở nông thôn cần những gì? Dưới đây là những kinh nghiệm mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng bạn cần nhớ nếu muốn thành công khi đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực này.
Tốc độ phát triển nhà ở, các công trình hạ tầng ngày một tăng lên. Đây là cơ hội tốt để bạn mở cửa hàng vật liệu xây dựng phát triển về lâu dài. Không chỉ ở thành phố, mà bạn hoàn toàn có thể tự tin khi lựa chọn kinh doanh vật liệu xây dựng tại nông thôn, bởi đây mới là thị trường tiềm năng, khi mà xu hướng nông thôn mới, và nhu cầu xây nhà, làm đường của người dân ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, làm sao để kinh doanh vật liệu xây dựng thành công? Dưới đây là một số cách kinh doanh vật liệu xây dựng từ những người vài chục năm kinh nghiệm chia sẻ lại. Hi vọng bài viết sẽ hữu ích và giúp những bạn đang nhen nhóm ý định mở một cửa hàng vật liệu xây dựng ở nông thôn có thể tham khảo.

Kinh doanh vật liệu xây dựng cần những gì?

Để kinh doanh vật liệu xây dựng thành công, bạn phải xác định rõ được những yếu tố sau:

Khảo sát thị trường vật liệu xây dựng

Nếu bạn đang có ý định mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở nông thôn thì phải đi tìm hiểu thị trường, khu vực nông thôn bạn sinh sống và dự định mở cửa hàng. Hãy xác định xem khu vực bạn sống có cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng nào chưa? Nếu có thì giá cả như thế nào, quy mô, nhân viên ra sao? Họ bán những mặt hàng nào? Ngoài ra, bạn cần phải xác định xem khu vực bạn sinh sống – vùng nông thôn thì người dân họ cần những vật liệu xây dựng nào? Họ có thể chi trả cho những vật liệu nào?…Sau khi đã xác định xong thì bạn mới có thể tiến hành vào việc kinh doanh.
Tùy vào khả năng vốn của mình mà xác định nên buôn bán mặt hàng chủ đạo nào. Do đó, khi đi vào hoạt động, hãy tham khảo thị trường để lựa chọn mặt hàng cũng như xác định giá cả phù hợp. Khi kinh doanh vật liệu xây dựng ở nông thôn, bạn cần phải biết cửa hàng kinh doanh của mình mới, non trẻ nên sẽ gặp nhiều rắc rối. Nên chọn cách bán lẻ, lãi cao ít rủi ro. Nếu muốn lãi cao thì phải nhập hàng nhiều, nhưng nếu bị tồn hàng thì trượt giá, hết hạn sử dụng,…và còn nhiều vấn đề khác.
Về thị trường: Nếu vốn ít thì chỉ nên đăng ký làm đại lý cho bãi A,B,C nào đó thôi. Khách mua thì qua đó lấy hoá đơn, khách mua lẻ thì bạn có thể chuyển hoá đơn bán lẻ về cho chủ bãi. Cát, đá, xi măng thì quá đơn giản rồi, lấy ở đâu thì xuất hóa đơn ở đó. Tóm lại bạn chỉ là cửa hàng bán thôi, nên thị trường sẽ đánh thuế môn bài (không đáng kể) tạo điều kiện tốt cho bạn hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó, rủi ro nhiều hay ít phụ thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm và khả năng quyết đoán nhạy bén của người đầu tư. Mà để có được những kinh nghiệm này, hãy đi nhiều, ngoại giao nhiều để chứng kiến tận mắt.
Xác định nhóm mặt hàng vật liệu xây dựng chủ đạo
Vật liệu xây dựng rất đa dạng, chúng được phân chia theo nhóm hàng. Chúng ta tạm chia vật liệu xây dựng thành 3 nhóm cơ bản sau:
Nhóm 1: Nhóm Mộc (Gạch, cát, đá, mi xăng, sắt thép…)
Nhóm 2: Nhóm hoàn thiện (Gạch ốp, vôi ve, sơn tường …)
Nhóm 3: Nhóm nội, ngoại thất (Điện, nước, đồ gỗ, sắt, mái, hàng rào, bệ xí, lavabo, đèn…)
Tuy nhiên, nếu chỉ mở một cửa hàng vật liệu xây dựng nhỏ ở nông thôn bạn sẽ chẳng thể nào mà ôm đồm hết tất cả các loại vật liệu này được. Hãy tập trung chủ lực một nhóm sản phẩm thôi. Đối với kinh doanh vật liệu xây dựng ở nông thôn thì bạn có thể chọn nhóm Mộc. Nhóm này thu lời cao hơn so với nhóm hoàn thiện nhưng lại thu hồi vốn chậm. Tuy nhiên nhóm hàng này là phổ biến nhất và bạn chẳng lo ế ẩm. Tóm lại, kinh doanh loại vật liệu xây dựng gì là phụ thuộc vào nguồn vốn và nhu cầu thị trường nơi bạn sinh sống.
Nếu là kinh doanh vật liệu ở nông thôn thì loại trừ đi nhóm 3. Nhóm 2 thường sản lượng ít, đi theo cả nhân công. Tốt nhất là nên kinh doanh mặt hàng nhóm 1. Tốt nhất nên chú trọng vào cát  – gạch – đá – xi măng. Còn sắt thép có thể lấy ở đại lý lớn bởi khách hàng ai cũng muốn chọn mua mặt hàng này ở đại lý lớn, kể cả cửa hàng của bạn cũng vậy. Lấy hàng nên lấy ít mang tính chất trưng bày cho khách biết là mình có bán hàng này. Khi nào có đơn thì báo đại lý và tới lấy về cho khách.
Một yếu tố quan trọng không kém cho người làm vật liệu xây dựng chính là xe chở. Nếu không có xe chở thì bạn làm sẽ không thể nào tới nơi tới chốn được. Hãy trích nguồn vốn đầu tư ra và sắm ngay một chiếc xe chở vừa đủ để vận chuyển được cát, gạch, xi măng, sắt thép,.. vừa chủ động lại vừa kiếm thêm tiền công chở luôn.

Nguồn vốn kinh doanh vật liệu xây dựng

Để mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng chắc chắn cần một số vốn không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu là mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở nông thôn thì số vốn sẽ được thu hẹp đi khá nhiều. Nếu bạn đang thiếu vốn, hãy tham khảo kinh nghiệm kinh doanh vật liệu xây dựng về cách huy động nguồn vốn:
Vốn từ người thân, họ hàng: Vay mượn từ người thân và họ hàng bạn sẽ tiết kiệm được thời gian liên quan đến thủ tục, giấy tờ, lãi suất “mềm” hơn so với ngân hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải tạo ra sự tin tưởng bằng một số giấy tờ đảm bảo để họ an tâm cho vay.
Kết hợp kinh doanh với người khác: Đây cũng không hẳn là hình thức huy động nguồn vốn. Bởi nếu kết hợp kinh doanh với người khác, cả 2 bên đều có trách nhiệm cống hiến và lo toan cho cửa hàng. Như vậy bạn sẽ giảm bớt được áp lực từ vốn và các công việc liên quan tới kinh doanh vật liệu xây dựng về sau.
Vay vốn ngân hàng: Đây là hình thức được nhiều người lựa chọn bởi quy trình, thủ tục diễn ra nhanh nhưng lãi suất tương đối cao. Do đó, nếu có nhu cầu vay vốn ngân hàng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu 2 phương án trên không khả quan thì mới nghĩ tới phương án thứ 3 này nhé!

Thị trường và phương án tiếp cận thị trường

Kinh nghiệm kinh doanh vật liệu xây dựng thành công chính là biết nắm bắt thị trường và tiếp cận thị trường. Hãy lựa chọn cửa hàng ở khu vực rộng rãi, nơi diễn ra những công trình xây dựng mới. Một cửa hàng buôn bán vật liệu ở gần bao giờ cũng được nhiều người chọn lựa vì không mất thời gian đi tìm và chi phí vận chuyển. Khi nào các công trình ở đó hoàn thiện thì hãy rút và tìm địa điểm mới. Đừng nghĩ rằng chỉ cần cầm giấy quảng cáo đi chào hàng là được. Hãy cho khách hàng thấy sự tiện dụng, uy tín ngay trước mắt.
Ngoài ra, hãy tận dụng vào khả năng ngoại giao của mình, các mối quan hệ cá nhân để kiếm khách hàng. Bạn có thể tiếp cận với các nhà thầu để hợp tác với họ. Nên nhớ chọn nhà thầu tốt, có đạo đức để cả 2 cùng đạt được thỏa thuận khi hợp tác.

Lựa chọn nhà cung cấp vật liệu xây dựng

Có 3 nguồn hàng mà bạn có thể tham khảo:
Nhập hàng trực tiếp từ các công ty cung cấp vật liệu xây dựng: Đây là nguồn hàng được nhiều người áp dụng. Khi lấy hàng từ các công ty, bạn sẽ trở thành đại lý vật liệu xây dựng chịu sự ràng buộc trực tiếp với công ty đó. Công ty sẽ đưa ra giá bán lẻ, và hỗ trợ đại lý thông qua phần trăm chiết khấu.
Nhập hàng qua tổng đại lý khu vực: Ở hình thức này, giá cả đã được niêm yết rõ ràng trên hàng hóa. Mọi hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng, lắp đặt hàng hóa cũng được thể hiện rõ ràng, chi tiết vì vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng hàng hóa cũng như cách thức sử dụng.
Nhập hàng vật liệu xây dựng từ nước ngoài: người Việt Nam luôn chuộng hàng ngoại nhập và vật liệu xây dựng cũng nằm trong số đó. Nhu cầu sử dụng các trang thiết bị cao cấp để lắp đặt cho nhà ở, chung cư,…rất cao. Nếu điều kiện tài chính cho phép, bạn có thể nhập thêm hàng ngoại để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên nếu là kinh doanh ở vùng nông thôn thì bạn không nên nhập hàng ngoại.
Kinh nghiệm kinh doanh vật liệu xây dựng đối với tất cả các mặt hàng chính là không nhập số lượng quá lớn, tránh tình trạng tồn hàng hoặc mất nhiều chi phí vận chuyển. Chỉ nên nhập vừa đủ hoặc có người đặt mới lấy.
Chắn chắn ban đầu bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng nếu không có ai nâng đỡ. Tuy nhiên cần phải kiên trì, bền bỉ và trau dồi thêm các kỹ năng để có thể ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong công việc.
Chúc các bạn thành công!