Tìm hiểu về ma trận Boston và cách phân bổ nguồn lực marketing

Công ty chúng ta sản xuất/kinh doanh nhiều sản phẩm/dịch vụ khác nhau, số lượng mặt hàng có thể lên đến hàng ngàn. Tuy vậy, ngân sách marketing có hạn, ta không thể đổ tiền để quảng cáo, marketing cho tất cả mặt hàng mà ta kinh doanh được. Một trong những cách cổ điển đơn giản thường hay dùng để phân bổ nguồn lực marketing đó là dùng Ma trận Boston (Boston Matrix – do tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới Boston Consultant Group phát minh).
Ma trận Boston được chia làm 4 ô như hình: ô Dấu hỏi, ô Ngôi sao, ô Bò sữa và ô Chó mực. 4 ô được đặt vào hệ trục toạ độ với trục tung là sự Tăng trưởng doanh số, sản lượng và trục hoành là Thị phần.

Tương tự thì các sản phẩm/dịch vụ của công ty cũng được chia làm 4 nhóm:

  • Nhóm sản phẩm bán chạy: là nhóm sản phẩm đang có sự tăng trưởng tốt về thị phần cũng như doanh số bán hàng. Nhóm này được xếp vào ô Ngôi sao.
  • Nhóm sản phẩm đang có thị phần cao nhưng không tăng trưởng doanh số nữa: nhóm này vẫn mang lại nguồn lợi nhuận nhất định do thị phần vẫn tốt, nhưng không tăng trưởng và dần dần mất dần vị thế, được xếp vào ô Bò sữa.
  • Nhóm sản phẩm có thị phần thấp và tốc độ tăng trưởng giảm dần: đây là nhóm sản phẩm hoặc là vào cuối chu kỳ bán đã hết cầu, lỗi mốt hoặc sản phẩm không phù hợp với thị trường, được xếp vào ô Chó mực.
  • Nhóm sản phẩm mới, chuẩn bị ra mắt thị trường: là nhóm sản phẩm không biết phản ứng của thị trường ra sao, xếp vào ô Dấu hỏi.

Sau khi đã phân loại được 4 nhóm sản phẩm thì ta thấy:
1. Cần đẩy mạnh nhóm Ngôi sao bằng cách tập trung nguồn lực marketing tối đa để đảm bảo nhóm sản phẩm này tăng tốc một cách nhanh nhất hòng chiếm lĩnh thị phần và mang lại doanh số bán càng cao càng tốt. Bởi đây là nhóm sản phẩm đang được thị trường chào đón tích cực, nếu không tập trung đẩy mạnh thì sẽ bỏ phí thời cơ, nhường sân cho đối thủ.
2. Nhóm Bò sữa do không thể tăng trưởng thêm nữa, nhưng thị phần vẫn còn và vẫn đang đều đều mang lại nguồn tiền đáng kể, do vậy ta chỉ cần cung cấp nguồn lực vừa phải để duy trì và hạn chế việc giảm thị phần (như hình tượng chú Bò sữa, chỉ cần cho ăn chút cỏ và vắt sữa được càng nhiều càng tốt)
3. Nhóm Chó mực là nhóm không mang lại lợi ích cho công ty nữa, do vậy đừng phí hoài đổ tiền vào marketing vô ích, hãy loại bỏ nhóm sản phẩm này ra càng sớm càng tốt để tránh tốn các chi phí không cần thiết (tồn kho, bảo quản, quản lý, kiểm kê, đối soát,…)
4. Nhóm Dấu hỏi là nhóm sản phẩm mới, chúng ta cần đẩy marketing thử trong thời gian ngắn, tích cực theo dõi và phân tích xem sản phẩm nào có phản ứng tốt, kênh marketing nào hiệu quả thì cho sản phẩm đó vào nhóm Ngôi sao để được đẩy mạnh marketing, sản phẩm nào không bán được mặc dù đã thử các phương cách marketing khác nhau thì cho vào nhóm Chó mực để đỡ tốn thêm chi phí cho nó. Số còn lại thì cho vào nhóm Bò sữa để tìm cách khai thác thêm.
Như vậy, bằng cách chia nhỏ ra thành 4 nhóm sản phẩm khác nhau, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc quyết định nên dành ngân sách marketing cho nhóm sản phẩm nào để đạt được hiệu quả cao nhất, nên loại bỏ nhóm sản phẩm nào gây tổn hại đến hoạt động nhằm tối ưu chi phí kinh doanh.
Ma trận Boston còn được áp dụng trong nhiều trường hợp và lĩnh vực khác nhau như: sản xuất, nhân sự, đầu tư, quản lý… Chỉ cần ta chú ý sẽ có thể khéo léo áp dụng nhằm tối ưu hoá nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất.