Ý Nghĩa Của Giá Trị Time On Page

Là một trong những chỉ số đo lường hiệu quả SEO (SEO KPIs) quan trọng trên site, time on page (thời gian truy cập trang trung bình) và giá trị trung bình của nó Avg. time on page cùng với giá trị trung bình của toàn trang Avg. time on site là một trong những con số quan trọng giúp góp phần hé lộ bức màn về trải nghiệm người dùng trên site.

Tuy nhiên, việc những giá trị này cao hay thấp sẽ phản ánh một trải nghiệm người dùng tốt? Hiện nay, có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc thời gian truy cập trang trên site của người dùng càng lâu sẽ càng tốt? Vậy quan điểm này có thật sự đúng đắn? Hãy cùng tìm kiếm lời đáp cho câu trả lời này và đưa ra ý nghĩa của giá trị time on page qua bài viết dưới đây:

Khi nào time on page trên trang sẽ thấp?

Thời gian truy cập trang của người dùng trên các trang web khác nhau sẽ có xu hướng khác nhau rất rõ rệt, nhất là đối với những trang thuộc lĩnh vực khác nhau. Những trang tin tức với lượng nội dung trên trang lớn thường có time on page cao hơn những trang có hàm lượng thông tin ít như những trang bán hàng.

Vì vậy, time on page trên site sẽ thấp khi người dùng khai thác hết những nội dung trên trang mà họ cần hoặc họ có thể dễ dàng tìm thấy trong một thời gian ngắn. Có thể nội dung trên những trang này quá ít hoặc có thể những nội dung đó đã đáp ứng được tất cả những thông tin mà người dùng thực sự cần.

Ngoài ra, cũng có thể người dùng cảm thấy không hài lòng với hình thức hoặc chất lượng của những nội dung nhận được trên trang, dẫn đến hiện tượng truy cập trang và thoát ra ngay, khiến cho time on page rất thấp, thậm chí là bằng 0. (xem thêm cách tính time on page tại bài viết: Time on page – Thời gian truy cập trang)

Ý nghĩa của một chỉ số time on page cao

Thông thường, khi thời gian truy cập của một trang web cao sẽ cho thấy người dùng đang mất nhiều thời gian hơn để khai thác thông tin trên trang đó. Điều này có thể phản ánh 2 tình trạng sau của người dùng:

Đầu tiên, đó là việc người dùng đang thực sự cuốn hút với những nội dung mà người viết đưa ra, và nội dung trên trang đó thực sự khá chất lượng đối với họ, đủ để họ phải dành quỹ thời gian vốn đã khá ít ỏi của mình để theo dõi từ đầu cho đến hết tất cả nội dung có trên trang. Những nội dung này có thể phải khá dài, đa dạng và hấp dẫn đối với người dùng như image, video, flash,…

Trong trường hợp này, việc time on page càng lớn sẽ càng cho thấy rằng người dùng đang tương tác nhiều hơn trên site, và chỉ số này đóng vai trò tích cực trong việc nghiên cứu trải nghiệm của người dùng. Tuy nhiên, không phải lúc nào time on page cao cũng cho thấy một trải nghiệm người dùng tốt.

Việc time on page cao cũng có thể cho thấy rằng người dùng cũng đang mất nhiều thời gian hơn để tìm kiếm những nội dung mà họ đang cần trên trang. Có thể những thông tin mà họ cần đang bị dấu dưới một loạt những nội dung thừa thãi trên trang, hoặc quảng cáo pop-up hay những bước thủ tục để xem được nội dung. Hay thậm chí là những text trên trang được viết bằng một font chữ khá khó đọc, buộc người dùng phải đọc lâu hơn, hay ảnh trên trang được để ở kích thước quá nhỏ, khiến họ phải mất thêm thao tác cùng thời gian để có thể nhìn rõ được ảnh hơn. Hay đơn giản hơn, nội dung trên trang được viết quá vòng vo khiến cho người dùng phải mất nhiều thời gian hơn để tìm thấy nội dung mà họ cần.

Như vậy, không phải lúc nào chỉ số time on page – thời gian truy cập trang cao cũng thể hiện rằng người dùng đang gắn bó hơn với website hay đang có một trải nghiệm tốt trên site. Các quản trị viên cần kết hợp chỉ số này với những chỉ số đánh giá trải nghiệm người dùng khác để có một bức tranh rõ nét nhất về hành vi của người dùng trên trang.