Hãy bắt đầu với một thứ gì đó đơn giản nhưng không phải ai cũng làm đúng được hết. Hãy biết rằng nếu việc sử dụng website quá phiền toái và khó chịu thì sẽ chẳng ai thèm mua hàng từ bạn cả. Một website bán hàng tốt cần phải hướng tới việc dễ dàng trong việc sử dụng và cho phép những người muốn mua hàng có thể mua được. Vậy thường thì các website mắc sai lầm chỗ nào?
1. Khả năng truy cập website
Nghe tưởng chừng như đây là điều hiển nhiên vì nếu muốn khách hàng mua hàng thì họ phải truy cập và sử dụng được website bán hàng trước đã. Tuy nhiên bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng rất nhiều trang web khi tạo ra đã mắc phải những sai lầm cơ bản khiến cho các bộ máy tìm kiếm không thể tìm thấy được, không index được, mất hoàn toàn nguồn visits quý giá từ kết quả tìm kiếm. Việc lựa chọn hosting không phù hợp khiến cho việc truy cập trang web trở nên chậm chạp, website thường xuyên chập chờn cũng là một trong những yếu tố đẩy khách hàng ra khỏi trang web của bạn. Do đó trước khi làm những gì cao xa hơn, hãy đảm bảo rằng website của bạn đang vận hành tốt, có thể truy cập một cách dễ dàng và không thường xuyên trục trặc về kỹ thuật.
2. Thông tin rõ ràng, trực quan
Đa phần khách hàng đều muốn tìm hiểu về sản phẩm trước khi bỏ tiền ra mua, nếu là bạn thì bạn cũng vậy thôi. Vậy bạn đã có giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy thông tin mà họ muốn thấy hay chưa? Nếu họ muốn xem thông tin kỹ thuật sản phẩm thì họ phải bấm vào đâu, nếu họ muốn xem các thông tin về việc chi trả, giao nhận hàng hóa thì họ phải xem ở đâu? Một số trang web khi vào thì tôi chỉ thấy một đoạn nội dung mời mọc mua hàng và một tấm ảnh sản phẩm, ngoài ra không có gì khác. Đây có lẽ là một trong những sai lầm cơ bản nhất mà nhiều website bán hàng hay mắc phải. Nếu khách hàng đang cần những thông tin hữu ích để thúc đẩy họ mua hàng thì còn chờ gì mà không cung cấp cho họ. Nếu bạn không có đầy đủ thông tin sản phẩm thì khách hàng sẽ đi chỗ khác để tìm hiểu và sẵn tiện họ cũng sẽ mua tại chỗ đó luôn.
3. Tính tương thích trình duyệt
Có rất nhiều thiết kế và lập trình web vẫn chưa xem trọng việc kiểm duyệt lại website trên các trình duyệt khác nhau để đảm bảo rằng việc hiển thị ít nhất là trên các trình duyệt căn bản như Chrome, Firefox và Internet Explorer là bình thường và đồng nhất. Với sự lên ngôi của các thiết bị di động lúc này bạn còn cần phải quan tâm tới việc trang web sẽ hiển thị như thế nào trên các trình duyệt phổ biến trên di động như Safari, Android Browser, v.v… bỏ qua việc này tức là bạn đang có thể làm ngơ khoảng 5% – 10% các khách hàng tiềm năng của mình.
4. Nút mua hàng
Khi khách hàng quyết định mua hàng thì họ làm gì? Họ bấm nút mua. Họ làm điều đó như thế nào? Họ sẽ bấm cái nút có chữ “mua hàng” hoặc đại loại. Điều gì xảy ra khi họ không thấy cái nút mà họ muốn bấm đó? Họ bực mình và họ bỏ đi chỗ khác (thường là website đối thủ) và mua hàng tại đó. Bạn có biết rằng đa số mọi người đều không thích cuộn (scroll) màn hình xuống quá nhiều hay không? Do đó việc đặt những thứ quan trọng (như nút bấm mua hàng) ở phía trên phần hiển thị mặc định của trang web là cần thiết. Việc nút bấm này như thế nào cũng rất quan trọng trong việc tăng conversion rate. Nút bấm mua hàng cần phải có màu sắc nổi bật, có dòng chữ kêu gọi (call to action) to, rõ ràng và xúc tích. Nút mua hàng không nhất thiết phải lòe loẹt hay nhàm chán nhưng chắc chắn nó phải rõ ràng. Có rất nhiều website hiện nay vẫn để nút thanh toán mờ nhạt, quá khó thấy hoặc bị ẩn đâu ở tận cuối trang. Có nhiều trường hợp chỉ bằng việc thay đổi nút mua hàng, bạn đã có thể thấy CR của việc bán hàng tăng từ 10% – 30%.
Chỉ ngó sơ qua những điểm ở bên trên thì ta có thể thấy rằng rất dễ để tạo ra một trang web tồi, chỉ cần chúng ta không chú tâm đến những thứ nhỏ nhặt. Hãy chắc chắn rằng website của bạn dễ truy cập, dễ sử dụng, tương thích với nhiều trình duyệt và dễ mua hàng thì bạn đã có thể khiến những người mà muốn mua – mua hàng trên web của bạn.