- Chất lượng hosting: Bạn sử dụng hosting càng tốt thì trang của bạn sẽ có tốc độ tải càng nhanh, điều này giống với chiếc máy tính của bạn, nếu máy tính bạn đang dùng có cấu hình càng cao thì bạn làm việc càng nhanh.
- Giao diện: Giao diện là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ WordPress, do vậy bạn nên chọn các giao diện tối ưu nhất để trang web của bạn được chạy nhanh hơn.
- Plugin: Ngoài giao diện và hosting ra thì các plugin bạn đang sử dụng dù ít hay nhiều cũng có ảnh hưởng đến trang blog của bạn, đặc biệt là các plugin có nhiều css và javascript.
Plugin cho phép bạn chạy rất nhiều chức năng riêng trên blog, chúng rất dễ cài đặt, dễ chuyển đổi và dễ dàng thay thế, nếu WordPress mà không có plugin thì nó chẳng là gì. Việc cài đặt plugin cũng dễ dàng như việc quản lý, hủy cài đặt và xóa. Nếu một plugin nào đó làm trang web của bạn chạy chậm đi thì bạn hoàn toàn có quyền tìm kiếm và thay đổi một plugin khác chạy nhanh hơn với cùng một chức năng. Thông thường, chúng ta sẽ luôn tìm kiếm những plugin tốt, được nhiều người sử dụng để cài đặt.
Sự thật của việc cài nhiều plugin
Câu hỏi được đặt ra là: Có thể dùng tối đa bao nhiêu plugin cho WordPress? Bạn có thể sử dụng plugin nhiều tới mức có thể chứ? Trong bài viết này chúng ta đang thảo luận tới vấn đề: Cài quá nhiều plugin sẽ khiến blog chạy chậm. Câu nói này có thể đúng trong nhiều trường hợp, cũng có thể sai trong nhiều trường hợp.
Dĩ nhiên là một blog cài nhiều plugin sẽ làm cho trình duyệt web thực thi lệnh chậm đi. Một trang web được viết đơn giản (bao gồm cả plugin và giao diện và bộ core) thì sẽ chạy nhanh hơn là một trang web được viết với nhiều code phức tạp bên trong. Đối với các website được tích hợp nhiều chức năng sẽ chạy chậm hơn một website chỉ hiển thị các văn bản đơn giản. Trong khi plugin là cách duy nhất bạn có thể dùng để bổ sung thêm tính năng cho blog của bạn mà không cần phải viết code, vậy dùng bao nhiêu plugin là vừa?
Cài đặt bao nhiêu plugin là vừa?
Việc quan tâm tới số lượng bao nhiêu plugin là vừa đủ thì bạn nên quan tâm xem plugin đó có tốt hay không thì hơn. Mình sẽ đưa ra một ví dụ cơ bản, bây giờ bạn cài 10 plugin nhưng trong 10 plugin này không có dùng javascript, cũng không dùng css mà chỉ sử dụng các hook của WordPress để thực thi một vài lệnh đặc biệt nào đấy. Bạn so sánh 10 plugin trên với 1 plugin mà có sử dụng nhiều lệnh javascript để chạy chức năng, viết nhiều css để trang trí cho blog đẹp hơn. Trong trường hợp này thì 10 plugin kia mặc dù số lượng gấp 10 lần nhưng tốc độ tải trang web sẽ nhanh hơn so với blog dùng plugin còn lại.
Một plugin chạy nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào các yếu tố bên dưới. Khi bạn lựa chọn plugin thì nên chú ý qua các điểm này.
Sử dụng nhiều javascript và css trong plugin
Nếu plugin có tạo nhiều mã javascript và css thì mỗi khi trình duyệt đọc nội dung trang web để hiển thị ra bên ngoài cho người dùng xem thì sẽ tốn nhiều tài nguyên. Plugin sử dụng càng nhiều mã javascript và css thì plugin đó càng chạy chậm, đó là mình chưa nói đến cách viết code bên trong như thế nào, code có được viết tối ưu nhất hay chưa?
Cách tốt nhất để kiểm soát được vấn đề này là bạn chỉ load javascript và css cho trang có sử dụng plugin, còn những trang còn lại thì không nên dùng. Nhưng trường hợp này bạn không có quyền lựa chọn vì bạn là người dùng sau cùng chứ không phải là tác giả của plugin.
Sử dụng nhiều câu truy vấn vào cơ sở dữ liệu
Nếu plugin của bạn có tạo nhiều câu truy vấn vào cơ sở dữ liệu, kể cả truy vấn nạp dữ liệu và xuất dữ liệu đều ảnh hưởng đến tốc độ tải trang. Ví dụ như trường hợp plugin đếm số lượt xem bài viết, nó sẽ tạo ra các câu truy vấn vào cơ sở dữ liệu mỗi khi có người dùng truy cập vào website. Nếu bạn không thật sự cần đến chức năng đếm lượt xem bài viết thì tốt nhất bạn nên tắt các plugin với tính năng như vậy đi.
Plugin đảm nhận nhiều nhiệm vụ phức tạp
Cái này không cần phải nói thì mọi người ai cũng hình dung ra được, một plugin có nhiều chức năng sẽ được viết với số lượng code lớn hơn với các plugin thông thường. Ví dụ như plugin bật lại chức năng quản lý link trong WordPress chỉ áp dụng 1 filter duy nhất sẽ không có ảnh hưởng gì đến blog của bạn, nhưng đối với các plugin syntax highliter cho phép bạn đăng source code lên blog thì sao? Nó sẽ chiếm nhiều tài nguyên trên blog của bạn hơn.
Plugin sử dụng truy vấn ra bên ngoài
Cái này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ tải trang web. Nếu bạn đang sử dụng các plugin có truy vấn tới các nguồn khác bên ngoài hosting của bạn đang dùng thì trang web của bạn sẽ chạy chậm hơn. Để cho bạn dễ hiểu hơn thì mình sẽ ví dụ trường hợp plugin nhận biết IP, ví trí của người dùng hoặc là plugin lấy thông tin các plugin khác trên trang chủ của WordPress.
Bao nhiêu plugin được gọi là nhiều?
Mình xin tư vấn với bạn rằng số lượng plugin không quan trọng bằng chất lượng của plugin. Nếu một plugin tuy có sử dụng nhiều thứ như mình nói bên trên, nhưng plugin này được lập trình tốt, tối ưu tốt, áp dụng nhiều thủ thuật để tối giản code, plugin này đáp ứng được nhu cầu của bạn thì bạn cứ dùng.
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng 50 hoặc 100 plugin trên mỗi trang blog WordPress. Thậm chí số lượng plugin của bạn có thể là nhiều hơn thế, đối với mấy trang phim hoặc mấy trang blog chuyên dụng thì số lượng plugin mà họ sử dụng rất là nhiều. Mỗi chức năng bạn cần đều có thể có nhiều plugin, bạn hãy lựa chọn các plugin được nhiều người đánh giá, được nhiều người đang dùng. Trong trường hợp không có lựa chọn nào khác, bạn tìm hoài mới được một plugin đáp ứng được nhu cầu của bạn thì bạn cứ dùng nhé.
Nếu bạn đang nghi ngờ blog của bạn chạy chậm do sử dụng quá nhiều plugin thì bạn nên kiểm tra lại, hủy kích hoạt các plugin không thật sự cần thiết, thậm chỉ là hủy toàn bộ plugin để kiểm tra. Nếu trang web vẫn chạy chậm như bình thường thì thử đổi giao diện, nếu đã thử cả 2 thì bạn có thể quyết định nâng cấp lên 1 gói hosting tốt hơn hoặc chuyển nhà cung cấp.
Ngay bây giờ, bạn hãy cho mọi người cùng biết bạn đang dùng bao nhiêu plugin trên trang của bạn đi nào? Chắc chắn sẽ có nhiều bạn đang dùng hơn 20 plugin trên blog.