Cùng tìm hiểu cấu trúc của một Landing Page giới thiệu giải pháp, dịch vụ hiệu quả

Làm sao để một trang trình bày có thể tự thân nó chốt sales được? Thông thường các bài giới thiệu về giải pháp, dịch vụ cần thể hiện được nhiều nội dung 1 cách súc tích, cho khách hàng có cái nhìn tổng quan dễ dàng, tạo ra nhu cầu có có thể đăng ký thông tin để được tư vấn chi tiết hơn. Dưới đây là cấu trúc cho 1 trang langding Page giới thiệu giải pháp, dịch vụ được chúng tôi tham khảo và tổng hợp lại:

1. Tổng quan

Đây là phần đầu tiên của bài viết, đề cập đến tổng quan trong lĩnh vực mà bạn cung cấp giải pháp, dịch vụ. Nó có thể bao gồm các thông tin về thực trạng của thị trường, số liệu thống kê, xu hướng trong tương lai… để giúp cho khách hàng có cái nhìn toàn cảnh về đóng góp hay giá trị giải pháp, dịch vụ của bạn trong tổng thể của thị trường ngành.

Lưu ý: Phần này bạn chỉ cần mô tả khái quát, không đi sâu vào chi tiết vì dễ làm khách hàng mất tập trung. Đồng thời nên ưu tiên các thông tin được trích dẫn từ các nguồn đáng tin cậy chứ không chỉ xuất phát từ quan điểm cá nhân của bạn.

2. Đặt vấn đề


Trong phần này bạn cần tập trung vào các nội dung mô tả về các vấn đề mà khách hàng đang quan tâm. Nó có thể là “nỗi đau” của khách hàng về vấn đề mà họ chưa biết phải giải quyết như thế nào, mong muốn về phương pháp quản lý, vận hành thông minh hơnkhả năng tự động hóa công việc thay thế cho cách làm thủ công đã lỗi thời, triển khai công việc nhanh chóng và tiết kiệm hơn… để giúp cho khách hàng thấy được các “lỗ hổng” trong cách làm hiện tại của họ và biết đến có những giải pháp có thể giúp họ giải quyết các vấn đề mà họ băn khoăn.
Lưu ý: phần này bạn có thể sử dụng dẫn chứng cụ thể từ ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực của khách hàng, những khó khăn mà một doanh nghiệp cụ thể gặp phải khi quản lý và thực hiện công việc theo cách làm cũ.

3. Giới thiệu giải pháp, dịch vụ


Phần này tập trung vào việc giới thiệu về các tính năng, tiện ích mà giải pháp, dịch vụ của bạn cung cấp cho thị trường. Nó sẽ thay thế con người đảm nhiệm được những công việc gì, triển khai ra sao – có nhanh chóng và thuận tiện hay không, quản lý và kiểm soát như thế nào, … Bạn nên đảm bảo nội dung giới thiệu ngắn gọn, súc tích và có tính liên kết, bổ trợ giữa các tính năng trong bộ giải pháp, dịch vụ của mình.
Lưu ý: Đối với phần này để giúp khách hàng dễ hình dung các bạn có thể lồng ghép vào các video, hình ảnh hoặc bản demo của giải pháp, dịch vụ và các tài liệu tham khảo cần thiết (dưới dạng file pdf). Trong phần này bạn cũng có thể chèn vào một nút Call To Action (như đăng ký dùng thử, xem chi tiết…), tuy nhiên chỉ cần một nút thôi nhé, đừng quá lạm dụng nó.

4. Mô tả lợi ích mà khách hàng nhận được


Đây chính là phần quan trọng nhất trong bài viết, một số khách hàng cũng chỉ chú trọng đến nội dung của phần này thôi vì họ cũng chỉ cần biết giải pháp, dịch vụ của bạn giúp ích được gì cho họ. Bạn hãy khéo léo chuyển hóa các tính năng, tiện ích đã được mô tả ở phần 3 kết hợp với các vấn đề ở phần 2 thành những lợi ích thiết thực mà khách hàng nhận được khi sử dụng giải pháp, dịch vụ của bạn. Hãy cố gắng giúp cho họ hiểu rằng các vấn đề mà họ đang gặp phải không hoàn toàn là bế tắc mà có thể giải quyết được nếu đồng ý sử dụng giải pháp, dịch vụ của bạn.
Lưu ý: Phần này các bạn có thể mô tả lợi ích theo dạng liệt kê gạch đầu dòng, và trong mỗi dòng hãy tạo điểm nhấn cho cụm từ mà bạn cho là quan trọng nhất trong câu đó bằng cách bold, gạch chân, tô màu khác… để tạo ấn tượng mạnh hơn về mặt thị giác cho khách hàng. Nếu bạn cảm thấy tự tin hãy viết phần này thành một câu chuyện để giúp cho khách hàng có cảm giác họ là một phần trong câu chuyện đó. Trong phần này bạn cũng nên lồng ghép vào các đánh giá tốt của khách hàng hiện tại đang sử dụng giải pháp, dịch vụ để tạo dựng niềm tin cho người mới quan tâm.

5. Kêu gọi hành động cụ thể

Đây là phần cuối cùng của bài viết và đồng thời cũng là mục tiêu chính của bạn cần đạt được sau khi khách hàng đã xem qua các nội dung trên. Trong phần này bạn có thể để lại thông tin liên hệ của bạn để khách hàng chủ động liên hệ, form đăng ký thông tin để được tư vấn, nút đăng ký dùng thử, đường dẫn về website chính của bạn để xem thêm thông tin… để kêu gọi khách hàng đi đến một hành động cụ thể để bắt đầu “mối lương duyên” giữa bạn với khách hàng.

Lưu ý: Thông tin mà bạn yêu cầu khách hàng cung cấp cho bạn càng ít càng tốt, thông thường bạn chỉ cần thu thập tên, số điện thoại, email, nhu cầu chính của khách hàng. Đừng bắt khách hàng phải điền quá nhiều thông tin vì có thể họ sẽ thấy phiền phức và bị “soi mói” thông tin cá nhân. Hãy để bộ phận tư vấn tiếp tục công việc với khách hàng vì đây mới chỉ là “cửa ngõ” mà khách hàng kết nối vào giải pháp, dịch vụ của bạn. Đối với nút Call To Action (nếu có) hãy sử dụng những màu nổi để kích thích khách hàng nhấp vào nút (điều quan trọng là màu của nút phải tương phản với màu nền trên trang của bạn), hạn chế sử dụng màu đỏ, đen vì có thể tạo cảm giác không an toàn cho khách hàng.