Email marketing – Phần 1: Giới thiệu về email marketing

Bạn có biết, email lần đầu tiên được Ray Tomlinson gửi vào năm 1971 cho chính anh ấy. Đến nay, có hơn 205 tỷ email được gửi và nhận mỗi ngày (*Radicati).
Email là 1 phương tiện marketing phổ biến nhưng không phải bất kì doanh nghiệp nhỏ nào cũng biết về nó. Danh sách email là tài sản kinh doanh quý giá mà không ai có thể lấy được. Đặc biệt, bạn có thể lưu và chuyển giao giữa những nhà cung cấp dịch vụ email marketing khi cần (ví dụ: MailChimp, Klaviyo, Aweber,…).
Danh sách email khách hàng là vũ khí quan trọng của bất cứ doanh nghiệp nào, vì nó giúp bạn gia tăng giá trị sản phẩm bằng rất nhiều cách, giúp bạn tiếp xúc với những người đã chi tiền hoặc quan tâm đến sản phẩm mà doanh nghiệp bạn sản xuất, cũng có thể là người đam mê đến lĩnh vực công ty bạn hoạt động.
Khi nói đến sự phát triển lâu dài của 1 doanh nghiệp thì việc xây dựng danh sách email khách hàng phải là ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, Học Viện Haravan biên soạn và tổng hợp tài liệu về email marketing này để giúp các bạn kinh doanh:

  • Xây dựng danh sách email khách hàng nhanh chóng và hiệu quả.
  • Tăng traffic website bán hàng với những chiến dịch email marketing.
  • Cải thiện hiệu suất Email marketing.

Nhưng trước tiên, hãy tìm hiểu vì sao email marketing lại có hiệu quả, đặc biệt là với những doanh nghiệp thương mại điện tử.
Theo báo cáo của MarketingSherpa đối với hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử, 1/3 lượng truy cập đến từ Returning visitors (khách hàng truy cập lại).
Có một sự thật hơi khó chấp nhận, hầu hết các lượt truy cập trang web bán hàng của bạn – nếu họ là khách hàng mới họ sẽ không bao giờ quay lại nữa, trừ khi bạn làm điều gì đó để giữ họ lại. Xây dựng danh sách email giúp bạn giữ lại những khách hàng mới – những khách hàng mà bạn phải rất vất vả mới có được.
Email marketing là hình thức phù hợp nhất cho những chiến dịch “tạo động lực” cho khách mới quay lại và thường xuyên tương tác với website. Ví dụ: giảm giá, nội dung có giá trị, kiến thức, sản phẩm mới,…
Theo những nghiên cứu gần đầy của Hiệp hội tiếp thị trực tiếp (Direct Marketing Association):

  • ROI (Tỉ lệ lợi nhuận ròng so với chi phí) của email là 3,800%.
  • 72% người thích nhận quảng cáo qua email hơn là các phương tiện truyền thông khác.
  • 38% người nói rằng họ nhận được ưu đãi đặc biệt qua email,và đó cũng là lý do họ đăng ký vào Email List (danh sách email) của 1 doanh nghiệp

Nói cách khác, nếu như doanh nghiệp của bạn (đặc biệt là những doanh nghiệp thương mại điện tử) không dành thời gian để lên các chiến dịch tiếp thị qua email thì chẳng khác gì “doanh nghiệp của bạn không biết cách xài tiền”. Nếu như những thống kê trên không thuyết phục được bạn, thì dưới đây là 5 lý do bạn nên xây dựng danh sách email khách hàng ngay từ bây giờ.

1. Email vượt trội hơn Twitter và Facebook trong việc bán hàng online (Selling Online)

Hầu hết các doanh nghiệp lớn và nhỏ đều biết rằng mạng xã hội là phương tiện truyền thông giúp phân phối nội dung và thông điệp tiếp thị. Tuy nhiên, McKinsey & Company chỉ ra rằng email vẫn hiệu quả hơn Facebook và Twitter khi tạo ra doanh thu gấp 40 lần.
Lý do email hữu hiệu hơn rất nhiều là do “cuộc trò chuyện” về sản phẩm của doanh nghiệp bạn với khách hàng được diễn ra tại không gian “cá nhân” của họ: Hộp thư đến.
Trong khi các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter là nơi tuyệt vời để phân phối nội dung miễn phí và thu hút cộng đồng của bạn. Nhưng lại quá ồn ào, đặc biệt với những vấn đề về giảm phân phối nội dung với 1 lượng người dùng đông như hiện nay, khách hàng mới (lần đầu mua hàng) của bạn đôi khi sẽ không nhận được những tin mới trên trang mạng xã hội của bạn. Tuy nhiên, email thì luôn nằm trong hộp thư của họ, và họ có thể vào xem bất cứ lúc nào.

2. Khó khăn để “leo TOP” trong kết quả tìm kiếm của Google

Khách hàng truy cập website của bạn từ những tìm kiếm tự nhiên (organic search) hoặc quảng cáo trên Google đều mang lại giá trị cho bạn. Tuy nhiên, để “leo lên TOP” của kết quả tìm kiếm Google đang dần trở nên khó và sẽ rất khó.
Đối với những SEOer, họ biết được rất nhiều phương pháp để giúp từ khóa của họ có thứ hạng cao trong Google, kể cả những phương pháp đen tối, lách luật. Tuy nhiên các thuật toán mới của Google đang phân loại thứ hạng hiển thị và kiểm tra rất gắt gao đối với những chất lượng nội dung, anchor text, backlink, thông điệp quảng cáo… Điều này là nỗi sợ hãi của hầu hết các doanh nghiệp.
Hầu hết các chiến lược SEO an toàn chủ yếu tập trung vào nội dung, và việc này cần rất nhiều thời gian nếu muốn đạt được thứ hạng mong muốn trên Google. Với những doanh nghiệp mới, hầu hết giải pháp mà họ chọn để xuất hiện ở trang 1 Google đó là: Google Adwords.
Đó chính là lý do khiến các doanh nghiệp đầu tư vào quảng cáo PPC để xây dựng danh sách email khách hàng của họ. Bằng cách này, thay vì chỉ nhận được 1 nhấp chuột trong kết quả tìm kiếm, họ đã mở ra một cánh cửa khác để liên lạc với khách hàng mục tiêu trong tương lai, nơi mà họ không phải lo lắng về các hình phạt từ những thuật toán mới của Google.

3. Email là “người bạn thân thiết nhất” của Content Marketing

Nhờ vào tiếp thị nội dung (Content marketing), mà các doanh nghiệp phân phối nội dung gốc đến khách hàng của họ. Các doanh nghiệp luôn nỗ lực thu hút sự chú ý của khách hàng bằng việc cung cấp kiến thức và sự giải trí liên quan đến lĩnh vực/sản phẩm để tạo dựng thương hiệu và sự tin tưởng trong lòng khách hàng. Trong khi với những quảng cáo truyền thống (báo giấy, banner, tờ rơi,…), họ phải trả tiền để có được khách hàng tiềm năng.
Đây cũng là lý do tại sao việc thu thập danh sách email khách hàng từ những khách hàng truy cập website/fanpage/,…của bạn trở nên quan trọng. Nếu so với những cú click chuột trả tiền cho 1 lần truy cập, thì Email marketing đảm bảo mang lại hiệu quả hơn khi bạn sử dụng các nguồn lực  thời gian và tiền bạc) để tạo content (nội dung) đến người dùng.

4. Email dễ dàng điều hướng Traffic để bán hàng

Với khả năng truyền đạt thông điệp 1 cách rõ ràng trong email, bạn có thể sử dụng danh sách email khách hàng để tiếp cận họ theo nhiều cách.
Dưới đây là những ý tưởng cho bạn:

  • Tạo 1 bản tin cung cấp cho khách hàng của bạn những thông tin về sản phẩm mới, những cập nhật về doanh nghiệp của bạn.
  • Gửi email định kì nhằm thu hút và “giáo dục” khách hàng theo thời gian, cho đến khi họ mua hàng.
  • Emal đặc biệt cho khách hàng và các ngày lễ, sinh nhật và các sự kiện cá nhân của họ.
  • Lời nhắc giỏ hàng của họ còn đơn hàng chưa hoàn tất quá, chưa thanh toán.
  • Giảm giá cho những khách hàng trung thành.
  • Thu hút, gây chú ý với những khách hàng đã không mua sắm trong 1 thời gian.
  • Tạo 1 email thu thập đánh giá, nhận xét của khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
  • Tạo các email chuyển đổi, khuyến khích khách hàng có 1 hành động cụ thể. Ví dụ: khách hàng nhấp vào liên kết “Thời trang nam”, thì tầm 2 – 3 ngày sau sẽ gửi cho họ “bộ sưu tập thời trang nam cho mùa xuân/hạ/thu/đông”.

Bạn có thể tương tác với khách hàng qua email theo những cách chuyên sâu hơn và sử dụng nó để hướng khách hàng đến trang web bán hàng của mình.

5. Email giúp bạn xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng

Trong khi mạng xã hội (Facebook, Twitter,..) và các công cụ tìm kiếm (Google) là nơi tuyệt vời nhất để thu hút “khách hàng tương lại”, thì email lại là cách tốt nhất để duy trì và tăng cường mối quan hệ theo thời gian.
66% người tiêu dùng trực tuyến thích mua các sản phẩm mới từ những thương hiệu mà họ đã quen thuộc (* Theo báo cáo nghiên cứu của Nielsen).
Điều này không làm ngạc nhiên nếu bạn là người hay mua sắm online. Khả năng mua từ các trang web và thương hiệu quen thuộc luôn cao, và vô hình bạn đã hình thành mối quan hệ với những thương hiệu đó.

Lưu ý: Quy luật Spam trong email

Permission Marketing – 1 thuật ngữ do Seth Godin nghĩ ra và ông cho rằng email marketing là một ví dụ tốt nhất cho thuật ngữ đó. Nghĩa là, mọi người có quyền được lựa chọn tham gia hoặc không tham gia vào mối quan hệ của họ với thương hiệu của bạn. Chọn – Họ nhấp vào mail, lưu liên hệ hoặc cho vào “Spam”.
Phải có được sự đồng thuận từ phía người nhận email, thì giải pháp email marketing của bạn mới thành công. Có 1 số vấn đề (hoặc luật lệ) về thư rác – Spam cần phải lưu ý.
Nếu bạn lờ đi các quy luật này, bạn phải đối mặt với 1 khoản chi phí khá lớn nếu ai đó muốn kiện bạn tại quốc gia mà bạn đang lên chiến dịch tiếp thị.
Mặc dù luật phòng chống Spam sẽ khác nhau tùy thuộc vào nơi bạn tiếp thị, nên dưới đây là những điều bạn nên tuân thủ trước khi bắt đầu 1 chiến dịch nào:

  • Được đồng ý: bạn được sự cho phép rõ ràng từ email list để gửi mail cho họ, và đã giải thích mối quan hệ bạn đang thiết lập (ví dụ: họ đã điền vào form email đăng ký nhận khuyến mãi tại website của bạn, hoặc tại 1 trang cụ thể,…). Hãy đảm bảo rằng bạn có lưu trữ nguồn gốc thu thập danh sách email, trong 1 số trường hợp khi khiếu kiện, đây là bằng chứng tốt nhất cho bạn.
  • Danh tính rõ ràng: phải cho người nhận email biết rõ bạn là ai, công ty nào trước khi bắt họ điền vào form đăng ký. Cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ như địa chỉ văn phòng, trang web,…
  • Người nhận mail được phép hủy nhận tin: Cung cấp cách thức để họ không nhận tin từ bạn nữa (unsubscribe).
  • Xem kỹ luật địa phương cho thương mại điện tử để biết kỹ hơn về luật phòng chống spam cho từng quốc gia cụ thể. Những luật này dựa trên vấn đề đạo đức, rất thực tiễn nên bạn không cần phải lo lắng. Đừng ăn gian, làm dối, bán đồ cấm là được.

Xem thêm: Phần 2: Chọn lựa nền tảng Email Marketing và xây dựng danh sách email