Làm sao để giảm bounce rate trên Landing Page?

Đã bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào để khiến tỷ lệ thoát trang (bounce rate) trên landing page của bạn giảm xuống?

Mỗi lần kiểm tra các thông số trên trang, là mỗi lần bạn cảm thấy áp lực trên ngực mình lại càng gia tăng?

Không như các trang thông thường, landing page được thiết kế để người đọc tương tác trên trang theo ý muốn của bạn – có thể là mua một món hàng, đặt một lịch hẹn trải nghiệm sản phẩm, hoặc ít nhất là để lại địa chỉ email và số điện thoại liên lạc để bạn có thể dùng chúng về sau và “giúp” khách hàng hiểu được sản phẩm của bạn tuyệt vời đến thế nào. Vậy nên chứng kiến khách hàng cứ thế bỏ đi mà không có hành động gì cả làm bạn đau khổ biết bao!

Bạn dồn rất nhiều công sức cho landing page của mình. Ảnh chụp sản phẩm mẫu rất đẹp, lời giới thiệu sản phẩm rất hay ho và ấn tượng. Thậm chí bạn còn làm cả một video rất hài hước về cách sử dụng sản phẩm nữa.

Nhưng sự thật thì bounce rate vẫn chưa đạt yêu cầu, và bạn đang bế tắc rồi, vì bạn không hiểu cần phải làm gì nữa để tăng tỉ lệ chuyển đổi trên trang. Bạn sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để cứu chiến dịch marketing của mình, nhưng vấn đề là bạn không biết phải làm gì.

Nếu đó chính xác là cảm giác của bạn, thì bạn không hề đơn độc. Tôi cũng đã từng trải qua những cảm giác đó, và tôi biết sự bất lực ấy khó chịu đến mức nào. Qua thời gian chật vật với landing page, tôi cũng đã tự nghiệm ra một vài lưu ý nho nhỏ cho bản thân. Dù đây chỉ là những bài học được rút ra từ kinh nghiệm cá nhân, nhưng tôi hy vọng từ đó bạn cũng sẽ tìm ra được những thứ có thể áp dụng trong công việc của mình.

Xác định rõ mục tiêu

Khi làm việc với landing page, thường chúng ta sẽ rất dễ sa vào các chi tiết nhỏ. Nên chọn màu gì cho nút Call-to-action đây? Màu xanh hay màu đỏ? Nên dùng chính xác từ này, hay nên chọn cụm từ kia?

Sau khi mất thời gian loay hoay với các tiểu tiết ngay từ khi bắt đầu và khiến bản thân tự rơi vào trong trạng thái hoảng loạn, tôi đã học được cách tập trung, làm sạch tâm trí và chú tâm vào việc xác định mục tiêu (goal) của mỗi landing page.

  1. Who: cần xác định rõ đối tượng mà mình nhắm đến, và tốt nhất là hãy tự đặt mình vào vị trí của “người khách tưởng tượng” – với các thông tin mà tôi có về đối tượng khách hàng của mình, như giới tính, tuổi tác, sở thích, các môi trường xung quanh có thể gây ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Nếu cảm thấy tệp khách hàng tiềm năng quá rộng hoặc quá phức tạp, có lẽ sẽ khôn ngoan hơn khi chia nhỏ nhóm các đối tượng và thiết kế các landing page dành riêng cho họ.
  2. What: trước mỗi chiến dịch, tôi đều tự hỏi “Giá trị mà mình đem đến cho khách hàng là gì?” và liệu những người tiếp xúc với chiến dịch của tôi có thật sự cần hoặc mong muốn điều đó.
  3. Why and Why not: tìm những giả thiết cho các trường hợp đề nghị của chúng ta được khách hàng đồng ý, hoặc bị từ chối.
  4. Take action: chính xác thì tôi muốn khách hàng hành động gì khi đến với landing page này? Mua hàng, đăng ký dùng thử, hay là tham gia vào hệ thống email để nhận các thông tin ưu đãi?
  5. Where: kiểm soát tất cả các kênh mà từ đó khách hàng có thể đến được landing page, liệu thông tin mà khách hàng nhận được trước đó có khớp với nội dung landing page không, và khách hàng mong đợi gì khi đến landing page này?

Luôn ghi nhớ: chúng ta đang làm việc với con người

Trong thời đại của những cú click chuột, những lượt scroll hờ hững và những cái “like” hào phóng, gần như chúng ta có thể A/B test mọi thứ. Chúng ta hay nghĩ, và ăn-ngủ với các thông số. Chúng ta lo lắng về tỷ lệ nhấp chuột (click-through rate) hay là tỷ lệ chuyển đổi. Chúng ta bàn về số lượt truy cập, và rất nhiều các con số khác.

Tuy vậy, đằng sau các con số vẫn chính là con người. Con người là thực thể đưa ra quyết định: có click không, có sign-up không, và có MUA không. Để làm việc với con người, chúng ta cần hiểu họ, đặc biệt là nắm được cách thức ra quyết định và các hành vi của họ, cùng với đó là ứng dụng khéo léo vào landing page. Trong quá trình làm việc, tôi dần hiểu được giá trị của việc tận dụng tâm lý học để tối ưu landing page.

Nội dung phải thật hấp dẫn!

Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn tìm kiếm một lời mời chào ma thuật có khả năng khiến cho bất kỳ người đọc nào bị thôi miên và chấp nhận bất kỳ lời đề nghị nào mà tôi đưa ra. Dù thật sự quá trình tìm kiếm có mang lại cho tôi một số kết quả nhất định (khá tốt là đằng khác) ví dụ như những Call-to-action hay ho và độc đáo, tuy vậy, tôi vẫn chưa tìm ra được một giải pháp vừa đơn giản vừa hoàn hảo, có thể phù hợp với mọi đối tượng và sản phẩm.

Và trong khi chờ đợi điều kỳ diệu đó sẽ tìm đến với tôi vào một ngày không xa, tôi vẫn đang phải vất vả chăm chút từng câu, từng chữ trong cả phần nội dung của mình và tạm hài lòng với những gì mà tôi đạt được từ nó. Điều quan trọng là nội dung mà mình truyền tải đến người đọc phải được cá nhân hoá, tạo cho người đọc cảm giác được đồng cảm, mình hiểu họ, hiểu những nhu cầu, mong muốn của họ, và mình có giải pháp cho các vấn đề đó. Chỉ cho họ thấy rằng đề nghị của mình có thể giúp họ cụ thể như thế nào.

Dưới đây là một số lưu ý của tôi khi viết nội dung cho một landing page:

  1. Tiêu đề: cần rõ ràng và ngắn gọn, để người đọc ngay lập tức nắm được thông tin mà bạn muốn truyền tải
  2. Lập danh sách: kích thích thị giác bằng các gạch đầu dòng (bullet icons), đánh số thứ tự hoặc các icon dễ thương để tránh gây cảm giác nhàm chán khi phải đọc một nội dung quá dài
  3. Làm rõ giá trị của đề nghị: lời đề nghị của bạn cần xoay quanh việc nó có giá trị như thế nào với người đọc nếu họ chấp nhận nó. Có một số trường hợp, bạn có thể sẽ muốn cân nhắc thể hiện việc Nếu khách hàng chấp nhận lời đề nghị của bạn, thì nó sẽ có ý nghĩa với bạn thế nào. Một biến thể khác của cách này là đánh vào lòng thương hại của người đọc, tuy nhiên bản thân tôi không thích sử dụng cách này nếu xét đến tính bền vững của thương hiệu – lòng thương hại có thể có hiệu quả tốt cho một lần sử dụng, nhưng không phải là thứ có thể bị lợi dụng lặp đi lặp lại nhiều lần.
  4. Chứng nhận từ chuyên gia và khách hàng: trích dẫn lời của các chuyên gia, sử dụng giấy chứng nhận, hoặc dẫn lại đánh giá từ các khách hàng cũ đã sử dụng sản phẩm là một cách tuyệt vời để nâng cao lòng tin của người đến với landing page của bạn.
  5. Call-to-Action: đừng quên nhắc người đọc hành động bằng một Call-to-action phù hợp kèm theo chỉ dẫn rõ ràng về việc mà bạn mong đợi họ làm kế tiếp. Bạn có thể diễn đạt nó theo cách lịch sự, hoặc cởi mở hay thậm chí là hách dịch, nhưng hãy nhớ cần thể hiện theo đúng phong cách bạn đang làm nội dung trang và lưu ý đến cả những phản ứng có thể có của người đọc nữa.

Tóm lấy sự chú ý của khách hàng

Những người đến với landing page của chúng ta thường là những người đọc vội vã. Có quá nhiều thứ hay ho trên internet, và chính bởi vì có quá nhiều thứ hay ho, không ai còn dành nhiều thời gian để chú tâm vào bất cứ một nội dung nào người ta vô tình lướt qua trên mạng nữa. Nếu bạn thể hiện nội dung đủ đặc sắc, một vài người có thể sẽ dành thời gian để đọc kỹ và “nhấm nháp” lời đề nghị của bạn.

Tuy vậy, tôi luôn chuẩn bị tinh thần cho bản thân rằng phần lớn những người mà tôi hướng đến cho các chiến dịch của mình sẽ không dành cho những landing page mà tôi tạo ra những đãi ngộ đặc biệt nào cả. Họ sẽ chỉ dành cho các trang web này những cái liếc qua và rất nhanh tìm kiếm một dấu hiệu nào đó gây hứng thú cho họ. Do vậy, điều cần thiết là tôi sẽ phải xem đi xem lại landing page của mình rất nhiều lần, mỗi lần lại cố gắng làm cho nó hấp dẫn và đặc biệt là ngắn gọn, đi đúng trọng điểm hơn. Một số điểm mà tôi đặc biệt luôn kiểm tra, đó chính là:

  • Dùng tiêu đề, gạch đầu dòng và đặc biệt là một bức ảnh thu hút người đọc vào nội dung chính. A picture’s worth a thousand words, right?
  • Sử dụng từ ngữ đơn giản, phổ thông, viết câu ngắn và tránh trình bày theo đoạn dài
  • Bỏ qua những câu và đoạn không liên quan trực tiếp đến những gì chúng ta đang đề nghị người đọc
  • Tập trung vào mục tiêu duy nhất của landing page và không gây phân tán người đọc ra khỏi trang bằng các link dẫn ra ngoài hoặc thanh menu không cần thiết
  • Tìm kiếm các điểm sẽ thu hút ánh mắt của người đọc nhất để đặt các nội dung quan trọng và design khôn ngoan qua việc lựa chọn cỡ chữ, màu sắc hợp lý làm nổi bật nội dung. Biết tận dụng khoảng trắng (white space) để điều hướng người đọc.

Tổng kết

Tất nhiên, không có một công thức chung nào để tạo ra một landing page hoàn hảo. Những chia sẻ của tôi bên trên cũng chỉ là những kinh nghiệm cá nhân đúc kết được qua quá trình tự mày mò và làm thực sự với các chiến dịch marketing sử dụng landing page. Sẽ có những tình huống mà bản thân tôi cũng không tuân theo hoàn toàn các quy tắc này vì một marketer cần phải thực sự linh hoạt và dám thử nghiệm những điều mới để làm phong phú thêm vốn hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân. Tuy vậy, những quy tắc cốt lõi thì luôn luôn đúng và có thể được áp dụng được trong mọi trường hợp:

  • Xác định rõ mục tiêu
  • Luôn ghi nhớ: chúng ta đang làm việc với con người
  • Nội dung phải thật hấp dẫn
  • Tóm lấy sự chú ý của khách hàng

Hy vọng rằng bài viết của tôi đã mang lại những giá trị nhất định cho bạn và nếu cần thì bạn hãy lưu nó lại để tham khảo trong lần kế tiếp cần làm landing page nhé!