Growth Hacking: Công thức tăng trưởng đột phá cho startup ( Phần 1)

Trong thực tế, những cái tên như Pinterest, Facebook, Canva, Dropbox,…đều đã giải quyết rất tốt vấn đề đó và đạt được số lượng người dùng sản phẩm từ con số không lên đến hàng triệu (và đôi khi là hàng trăm triệu) chỉ với lời giải duy nhất, đó là ứng dụng kỹ thuật “Growth Hacking”.

Cách truyền thông mà mọi Startup ban đầu thực hiện với sản phẩm của mình vẫn luôn là: sử dụng các kênh truyền thông online và offline, share trên các trang mạng xã hội với mục đích tìm kiếm người dùng và hiệu ứng khá tốt. Nhưng sau một thời gian, dường như hiệu ứng này nguội dần, số lượng người sử dụng không tăng, có khi còn giảm xuống.Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến chuyện này? Liệu sản phẩm đó đã đáp ứng đầy đủ được nhu cầu người dùng hay chưa? Làm cách nào để giữ chân và tăng số lượng người dùng sản phẩm? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra… và người ta bắt đầu quan tâm đến khái niệm “Growth Hacking”.

“Growth Hacking” là một khái niệm còn khá mới và khá thú vị. Nó mới ở chỗ khái niệm này chỉ được đưa ra cách đây cách đây 5 năm, tức là vào năm 2010 trong một bài viết của Sean Ellis (mặc dù là một khái niệm mới, nhưng thực tế thì cách thực hiện đã được sử dụng từ lâu) và nó thú vị ở chỗ, bạn có nghĩ rằng số lượng người dùng sản phẩm của bạn ban đầu là vài chục, có thể lên đến vài trăm, vài ngàn, có khi lên tới hàng triệu chỉ trong một khoảng thời gian ngắn không? Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng đối với “Growth Hacking” thì hoàn toàn có thể. Minh chứng cho điều này đó là hàng loạt công ty đã nổi danh nhờ sử dụng công nghệ này như Facebook, Dropbox, Quora, Pinterest,…

1.Thế nào là “Growth Hacking”

“Growth Hacking” là sự giao thoa giữa hai yếu tố Marketing và Coding, những người làm về “Growth Hacking” được gọi là “Growth Hacker”.

Vậy rốt cuộc “Growth Hacker” là gì?

Trong bài “What is Growth Hacking?” của Mattan Griffel, “Hacker” được hiểu là người quan tâm đến mục tiêu đạt được hơn là cách thức thực hiện nó. Họ không bị gò buộc theo một phương thức nào có sẵn, do vậy, hacker thường đưa ra nhiều cách thức rất sáng tạo để đạt được mục tiêu. “Growth Hacker” cũng tương tự như vậy.Nhưng thay vì mục tiêu là có được quyền truy cập trái phép vào một hệ thống nào đó, mục tiêu của “Growth Hacker” chính là tăng trưởng số lượng người dùng cho một sản phẩm cụ thể.

“Growth hacker” thường bị đánh đồng với “marketer”, nhưng thực chất thì không hoàn toàn như vậy. “Marketer” là những người thường tập trung vào sử dụng những phương thức truyền thống để thuyết phục người dùng mua hàng như bán hàng trực tiếp, truyền hình, đài phát thanh, thư, quảng cáo in ấn (như tạp chí, sách phiếu mua hàng, biển quảng cáo…)… Mặc dù trong tương lai có thể sẽ có rất nhiều “marketer” trở thành “growth hacker”, tuy nhiên hiện tại thì “marketer” còn cần phải rèn luyện nhiều kĩ năng hơn nữa để đáp ứng các yêu cầu của “Growth Hacker”.

“Growth Hacker” là những người sáng tạo, liên tục tìm tòi những phương thức mới để thu hút được sự chú ý của khách hàng, duy trì và mở rộng về số lượng khách hàng nhằm thu được lợi nhuận.

Nhìn một cách tổng quát thì họ là những người làm việc có kỉ luật, luôn yêu cầu quá trình thực nghiệm để đưa ra những quyết định xem việc gì nên làm, việc gì không. Họ hiểu rõ rằng bản thân sản phẩm chính là công cụ marketing hiệu quả nhất, và họ cũng có những hiểu biết kĩ thuật nhất định để biết cách tận dụng các nền tảng hiện có trên Internet, giúp startup nhanh chóng tiếp cận được với hàng tỷ khách hàng tiềm năng. Cụ thể hơn, bạn có thể hình dung như sau:

Sáng tạo dựa vào thực nghiệm

Đứng trước một dự án cụ thể, thay vì chỉ đưa ra một giả định và xây dựng chiến lược dựa trên các giả định đó, “Growth Hacker” sẽ đưa ra các chiến lược khả thi, thử nghiệm chúng trên quy mô nhỏ và so sánh kết quả đạt được.

Việc thử nghiệm trên quy mô nhỏ chỉ đánh giá một phần nào đó chiến lược được thử nghiệm. Do đó, các “Growth Hacker” cần phải sử dụng các phương pháp để đánh giá như A/B testing để biết rõ ý tưởng nào khả thi, ý tưởng nào không.

Sử dụng chính sản phẩm để quảng cáo cho chính nó

Khi nhắc đến viral marketing, phần lớn các marketer đều chỉ nghĩ đến nội dung quảng cáo hấp dẫn, có sức lan tỏa cao. Tuy nhiên với sự phát triển của Internet, có một phương pháp viral marketing khác đáng tin cậy hơn nhiều đó là tích hợp các thông tin giới thiệu vào sản phẩm. Ví dụ như:

  • Hotmail đã đính kèm dòng chữ “Get your free email at Hotmail” vào phần cuối trong nội dung mail được gửi đi.
  • YouTube và Vimeo cho chép người dùng dễ dàng nhúng các video vào các website khác.
  • Dropbox khuyến khích người dùng giới thiệu cho bạn bè cùng sử dụng dịch vụ bằng cách tặng thêm dung lượng và chiến lược đó đã đóng góp tới 60% cho sự phát triển của công ty.

Trong các công ty, việc xây dựng sản phẩm và marketing sản phẩm thường được thực hiện bởi hai nhóm khác nhau.Một nhóm chỉ chú trọng vào việc phát triển các tính năng, cho ra sản phẩm hoàn thiện, nhóm còn lại thì chỉ chú trọng vào việc đưa ra kế hoạch quảng bá sản phẩm mà đôi khi lại không nắm rõ các tính năng của sản phẩm đó.Growth Hacker chính là cây cầu để kết nối hai nhóm này với nhau.

Hiểu rõ các Platform

Ngày nay, cánh cổng từ các công ty đến người dùng ngày càng được mở rộng nhờ sự phát triển của nhiều platform mới, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Nhờ các trang mạng xã hội, hàng triệu người dùng có thể dễ dàng tiếp cận được sản phẩm chỉ nhờ một cú click chuột, dễ dàng chia sẻ thông tin về sản phẩm, do đó, việc xây dựng một chiến lược truyền thông thông qua mạng xã hội là vô cùng quan trọng, và công việc của các “Growth Hacker” chính là phải biết cách làm sao tận dụng những lợi thế đó.

Theo thời gian, lợi ích do các platform hiện tại mang lại sẽ giảm đi khi các công ty khác cũng tham gia ngày một nhiều. Vì thế nên việc trở thành công ty đầu tiêntận dụng được các tính năng của platform mới sẽ đem lại một lợi thế vô cùng lớn.

Những chiến lược như vậy cũng đồng thời cần một sự hiểu biết thấu đáo về API của các platform, điều mà phần lớn các marketer truyền thống không có hoặc không thể làm được.